Ký ức Trường xưa

Thứ hai - 25/03/2019 21:05 528 0
Mọi ngôi trường đều giống nhau – có học trò, có thầy cô; với trường chuyên biệt Thể dục thể thao thì có vận động viên, huấn luyện viên. Nhưng ngôi trường trong mỗi một con người lại là những ngôi trường riêng biệt – nơi mình đã từng sống với những cung bật cảm xúc, với bao kỷ niệm
Ký ức Trường xưa
Dẫu biết rằng cuộc sống là vô thường! Thời gian qua đi, một ngày nào đó trong tương lai có thể ngôi trường xưa ấy được thay đổi bằng một tên gọi khác không như tên gọi bây giờ, nhưng ký ức về nó thì luôn sống mãi và luôn tồn tại trong lòng mỗi con người đã từng sống, từng gắn bó với mái trường xưa.
Trong quá trình tham gia công tác từ năm 1975, qua nhiều lĩnh vực công tác được phân công, với tôi, trong tôi, tự hào cũng nhiều mà gian khó cũng lắm khi đã có 03 lần làm Hiệu trưởng đầu tiên ở 03 ngôi trường, trong đó có Trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam – ngôi trường mà tôi đang viết về “Ký ức trường xưa”.
Trường xưa – mới đó mà đã 20 năm rồi kể từ ngày đầu thành lập!
 Là một trường chuyên biệt, chuyên huấn luyện – đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh Quảng Nam. Đã có biết bao thế hệ vận động viên được tuyển chọn vào trường tập luyện để tham gia thi đấu trên các đấu trường quốc gia, khu vực, quốc tế. Có nhiều vận động viên đã thành đạt, đứng trên bục vinh quang và cũng có nhiều vận động viên chưa thỏa niềm mong ước phải bước qua những ngã rẻ cuộc đời.
Lần dỡ lại tập Đặc san chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập trường (1999-2004) mang tên “Khởi động”, biết bao kỷ niệm ùa về ắp đầy vui buồn với những ấn tượng khó phai.
“5 năm mới bấy nhiêu ngày nhưng cũng đủ thời gian để một tổ chức được ra đời và khẳng định vị trí của mình trong công tác huấn luyện – đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh nhà, đó là trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam” (Lời ngỏ của Đặc san). (1)
(1) - Quyết định số 69/QĐ-TDTT ngày 10/11/1998 của Giám đốc Sở TDTT Quảng Nam V/v thành lập Tổ công tác nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập trường TDTT tỉnh Quảng Nam (Ông Nguyễn Thành Tự, Phó giám đốc Trung tâm TDTT – Tổ trưởng; Ông Phan Văn Hạ, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT – Tổ phó);
- Quyết định số 2632/QĐ-CT ngày 30/12/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam V/v thành lập trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh Quảng Nam;
- Quyết định số 01/QĐ-TDTT ngày 06/01/1999 của Giám đốc Sở TDTT Quảng Nam V/v “Bổ nhiệm cán bộ” bổ nhiệm Ông Nguyễn Thành Tự Phó giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Quảng Nam về nhận công tác tại trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT và giữ chức vụ Hiệu trưởng kể từ ngày 06/01/1999.
Sau  5 năm công tác tại trường, tôi được điều về công tác tại Sở Thể dục thể thao với chức vụ Phó giám đốc Sở rồi sau đó là Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khi 3 Sở: Sở Văn hóa Thông tin, Sở Thể dục thể thao và Sở Du lịch được sát nhập lại với tên gọi mới là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tuy vẫn phụ trách, chỉ đạo mảng Thể dục thể thao nhưng không trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các anh chị em cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của nhà trường như trước đây đã từng.
Về thăm lại trường xưa sau 20 năm được thành lập; tuy chưa thật khang trang, bề thế với những tiện ích cần thiết cho công tác huấn luyện – đào tạo vận động viên, nhưng cũng đã có đầy đủ các điều kiện tối thiểu của một ngôi trường: Có nơi làm việc của Ban giám hiệu và bộ phận hành chính, giáo vụ, các bộ môn; có Nhà tập luyện với đầy đủ dụng cụ tập luyện bổ trợ cho công tác huấn luyện – đào tạo vận động viên; có Ký túc xá, có Nhà ăn tập thể cho vận động viên; có sân chơi các môn thể thao bổ trợ; có khu vệ sinh sạch sẽ, văn minh; chế độ dinh dưỡng, chế độ đẳng cấp của VĐV được đáp ứng ngày càng cao…Ngoài sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, đó còn là nỗ lực  lớn của thầy và trò trong 20 năm vận động, tham mưu đề xuất và chung tay xây dựng. 
Nhìn thấy những điều kiện vật chất các em vận động viên đang thụ hưởng vừa mừng cho các em bây chừ vừa thương cho các vận động viên trong những ngày đầu thành lập trường. Chỗ ăn ở của các em lúc bấy giờ chỉ là một dãy nhà cấp 4 mới được xây dựng (địa điểm hiện nay là Nhà ở của VĐV Đội bóng QNK Quảng Nam – lúc bấy giờ nhà trường quản lý và đào tạo cả các đội bóng đá trẻ). Chỗ ở của vận động viên không đủ cùng với chỗ làm việc của Ban giám hiệu, bộ phận hành chính phải thuê ở nhà dân chung quanh trường. Chỗ tập luyện, ngoài bộ môn bóng đá, điền kinh có sân vận động để tập, các môn võ phải tập ở nhà ăn (địa điểm hiện nay là Khu Hiệu bộ) và thuê thêm chỗ tập ở Câu lạc bộ Thống nhất (địa điểm hiện nay là Siêu thị Sách Nguyễn Văn Cừ -  số 652, đường Phan Chu Trinh).Đầu năm 2001, công trình Nhà tập luyện được hoàn thành đã giải quyết được chỗ tập luyện cho các em. Từ nguồn kinh phí được đầu tư ở các chương trình mục tiêu quốc gia, các thảm tập, dàn tập đa năng, dàn bóng rỗ và các trang thiết bị bổ trợ cần thiết khác được mua sắm phục vụ công tác huấn luyện – đào tạo. Đến đầu năm 2002, ngành Giáo dục - Đào tạo bàn giao một phần cơ sở vật chất của trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm cho ngành Thể dục thể thao với kinh phí tu sửa gần 300 triệu đồng đã giải quyết được chỗ làm việc của Ban giám hiệu, bộ phận hành chính, giáo vụ và một phần chỗ ở cho vận động viên (địa điểm hiện nay là mảnh đất đối diện khán đài B sân vận động tỉnh). Bằng kinh phí tiết kiệm từ nguồn ngân sách đào tạo, qua từng năm, nhà trường đã mua sắm dần bàn ghế, giường tủ, máy vi tính cùng các đồ dùng phục vụ công tác hành chính và chuyên môn, phương tiện đi lại với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Để khắc phục nơi ăn ở tạm bợ, đến trước ngày kỷ niệm 5 năm thành lập trường, Nhà ăn tập thể với tổng kinh phí gần 100 triệu động được xây dựng xong (địa điểm hiện nay là tại Khu Hiệu bộ).

Cơ sở vật chất của nhà trường trong 5 năm đầu kể từ ngày thành lập chỉ có như thế thôi!
Về số lượng vận động viên: Trong năm đầu tiên, nhà trường có 67 vận động viên (VĐV), trong đó có 45 VĐV ở các môn Điền kinh, Bơi lội, võ Cổ truyền, Pencak Silat, Karate-Do, Taekwondo và 22 VĐV bóng đá trẻ được chuyển giao qua từ Trung tâm TDTT tỉnh. Chỉ tiêu đào tạo được giao tăng dần theo từng năm: Năm 1999 có 110 VĐV, năm 2001 có 140 VĐV, năm 2002 có 145 VĐV, năm 2003 có 110 VĐV (sụt giảm là do chuyển 40 chỉ tiêu VĐV bóng đá cho Đoàn Bóng đá quản lý sau khi Đoàn Bóng đá được thành lập – tiền thân của Câu lạc bộ Bóng đá QNK Quảng Nam ngày nay) và năm 2004 có 140 VĐV.
Về chế độ dinh dưỡng, chế độ đẳng cấp: Chế độ dinh dưỡng của VĐV trong năm đầu tiên được chi ở 03 mức: 11.000đ, 15.000đ, 20.000đ/ ngày; riêng VĐV bóng đá U15, U18 được hưởng 25.000đ/ngày, sau đó được tăng dần trong những năm sau. Chế độ đẳng cấp trong năm đầu tiên chưa có, đến năm sau mới được cấp ở 2 mức: 80.000đ/tháng/VĐV đạt danh hiệu cấp 1; 120.000đ/tháng/VĐV đạt danh hiệu kiện tướng và được tăng dần trong những năm sau.
Với số lượng VĐV khiêm tốn như vậy; với chế độ dinh dưỡng, chế độ đẳng cấp cùng với điều kiện ăn ở, tập luyện như vậy, nhưng thầy và trò của nhà trường vẫn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hăng say tập luyện, thi đấu để đạt được những kết quả bước đầu khá thành công và có những mặt nổi trội so với các tỉnh, thành bạn trong khu vực Duyên hải –Miền Trung.
Trong số VĐV thuộc trường quản lý giai đoạn này có những VĐV đạt thành tích nổi trội, tiêu biểu có VĐV Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan (HCV thế giới), Đặng Văn Chín (HCV Sea Games), Nguyễn Thị Hòa (HCB Sea Games), Bùi Thị Nhung (HCB trẻ châu Á) Cao Khẩn, Vương Nguyên Long (HCV Đại hội TDTT toàn quốc)…; 04 VĐV trong số đó (Chín, Thúy, Khẩn, Nhung đã trở thành huấn luyện viên của nhà trường. Từ năm 1999-2002, nhà trường còn được giao nhiệm vụ huấn luyện – đào tạo VĐV bóng đá trẻ ở lứa tuổi U 15, U 18 và đã cung cấp nhiều VĐV xuất sắc cho đội bóng đại biểu của tỉnh – trong đó có VĐV Huỳnh Quốc Anh sau này được chuyển giao cho Sở TDTT Đà Nẵng, nhiều năm là VĐV đội tuyển quốc gia và đã được bình chọn danh hiệu quả bóng vàng trong năm 2012.
Một chút cảm xúc, một chút thông tin về trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam trong những ngày đầu mới thành lập đến với bạn đọc, đặc biệt là đến với anh chị em cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên đang sống, làm việc, tập luyện tại mái trường này để nhớ lại một thời, để tự hào, để ghi nhận, để tiếp tục nỗ lực  cống hiến và viết tiếp những dòng ký ức đẹp đẽ cho thế hệ mai sau.
Trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam ra đời lúc bấy giờ là một sáng tạo của ngành TDTT Quảng Nam để có được một mô hình mới chuyên huấn luyện – đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cho tỉnh nhà và tranh thủ được nguồn kinh phí sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo của tỉnh để đảm bảo cho chế độ dinh dưỡng, chế độ đẳng cấp VĐV. Tuy vậy, quá trình vận động, biến đổi không ngừng là quy luật tất yếu của tự nhiên và xã hội. Nhưng cho dẫu nếu trong tương lai sẽ có một mô hình mới ra đời thay cho mô hình trường lớp hiện nay, tên gọi của trường có khác đi thì công việc của huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh nhà vẫn không hề thay đổi, vẫn miệt mài trong tập luyện, bản lĩnh trong thi đấu trên các đấu trường quốc gia, khu vực, quốc tế để mang vinh quang về cho tỉnh nhà, cho đất nước. Trong sâu thăm tâm hồn của mỗi cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên đã một thời sống, làm việc, tập luyện dưới mái trường này vẫn luôn hoài niệm và có ký ức đẹp đẽ về một mái trường xưa – Trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Thành Tự- Nguyên Phó giám đốc Sở VH, TT & DL Quảng Nam; Nguyên Hiệu trưởng Trường NKNV TDTT Quảng Nam (Từ năm 1999 đến 2004)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay673
  • Tháng hiện tại15,356
  • Tổng lượt truy cập383,119
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây