20 Năm nhìn lại

Thứ hai - 25/03/2019 20:59 561 0
Thể thao thành tích cao và thể dục, thể thao cho mọi người là hai mảng của ngành thể dục thể thao (TDTT).
20 Năm nhìn lại
Thể thao thành tích cao là hoạt động huấn luyện và thi đấu thể thao có hệ thống của huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) nhằm đạt được thành tích, kỷ lục thể thao. Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển thể thao thành tích cao, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định số 2632/1998/QĐ-CT ngày 30 tháng 12 năm 1998 về việc thành lập Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, nhà trường luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, của lãnh đạo ngành và đặc biệt là Đề án quy hoạch phát triển ngành TDTT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh để triển khai tổ chức hoạt động, tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn và nâng cao đội ngũ cán bộ, viên chức, đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo.
 Qua chặng đường 20 thành lập và phát triển, nhìn lại những kết quả mà nhà trường đạt được, chúng ta có thể tự hào.
Về cơ sở vật chất: Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo và làm việc của nhà trường  gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chỗ ăn, ở của VĐV chỉ có 7 phòng trong căn nhà cấp 4 được xây tạm bợ (bên cạnh khán đài B của sân vận động). Với số lượng phòng như vậy không thể đáp ứng được số lượng hơn 100 VĐV nên nhà trường phải thuê thêm nhà dân cho các em ở. Vì thế, việc quản lý ăn ở, sinh hoạt của vận động viên cũng gặp không ít khó khăn. Nơi làm việc của Ban Giám hiệu nhà trường và huấn luyện viên cũng không ổn định. Văn phòng làm việc của trường phải thuê nhà dân và nhiều lần thay đổi. Chỗ tập luyện của VĐV, ngoài bộ môn bóng đá và điền kinh đã có sân vận động (đường piste bằng đất và sỉ than, mặt cỏ sân vận động đã xuống cấp), các môn võ phải tận dụng tập tại nhà ăn và thuê chỗ tập tại Câu lạc bộ Thống Nhất…Đến nay, sau 20 năm nhìn lại, cơ sở vật chất nhà trường đã được thay đổi đáng kể. Chỗ ở của VĐV được quy tụ lại một chỗ. Các em được chuyển hẳn về khu ký túc xá 3 tầng với 44 phòng khang trang. Nhà tập luyện phục vụ cho công tác huấn luyện và thi đấu của các môn võ cũng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2001. Song song với nhà tập luyện thì phòng tập thể lực cũng được nâng cấp. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nay văn phòng trường cũng đã được chuyển về một khu làm việc riêng biệt khang trang hơn. 
Về đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động: Khi mới thành lập, cán bộ, viên chức của nhà trường chỉ có 18 người, phần lớn được kế thừa từ Trung tâm TDTT tỉnh, Sở TDTT chuyển xuống và từng bước bổ sung tuyển mới thêm từ những VĐV trưởng thành trong quá trình thi đấu. Nhiều HLV của nhà trường chưa qua đào tạo chương trình đại học nên gặp không ít khó khăn trong công tác huấn luyện và thi đấu. Do đó nhà trường đã đề ra phương châm “vừa làm - vừa đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn công tác”, “đẩy mạnh phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác ở từng bộ phận, từ công tác quản lý điều hành đến công tác huấn luyện, đào tạo và chỉ đạo thi đấu. Sau 20 năm nhìn lại, số lượng CB,VC,NLĐ của nhà trường lên đến 40 người. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 5 thạc sĩ, 20 đại học, 9 cao đẳng và trung cấp. Trong đó có 3 chuyên viên chính, 3 HLV chính, 1 trọng tài FIFA và 5 trọng tài cấp quốc gia. Về trình độ chính trị có 1 cử nhân, 1 cao cấp và 1 trung cấp, phần nào đáp ứng được yêu cầu chung của ngành.
Về kết quả công tác huấn luyện, đào tạo: Từ khi thành lập, nhà trường được bàn giao từ Trung tâm TDTT 67 VĐV tại 7 bộ môn là Điền kinh, Võ Cổ Truyền, Wushu, Pencak Silat, Karatedo, Taekwondo và Bóng đá trẻ. Chỉ tiêu đào tạo của nhà trường được tăng dần qua các năm, từ 110 VĐV năm 1999, đến 220 VĐV năm 2018. Trong những năm đầu nhà trường đào tạo tập trung vào 7 môn trên. Sau một thời gian vừa đào tạo, vừa nghiên cứu những môn thế mạnh, những môn triển vọng và những môn phù hợp với xu thế chung, phù hợp với tố chất người dân xứ Quảng. Năm 2001 phát triển thêm môn Cầu lông, từ năm 2003 môn bóng đá trẻ được chuyển qua Đoàn bóng đá quản lý. Nhà trường bổ sung đào tạo thêm môn bóng chuyền bãi biển và Boxing. Đến năm 2005 dừng đào tạo môn cầu lông và năm 2009 dừng đào tạo môn Boxing. Năm 2010 nhà trường bắt đầu đào tạo thêm môn Vovinam. Năm 2011 chuyển đào tạo bóng chuyền bãi biển thành bóng chuyền trong nhà. Năm 2012 bổ sung đào tạo thêm môn Bắn súng. Năm 2016 dừng đào tạo môn Pencak Silat và thay vào đó là môn Đua thuyền. Đến nay nhà trường đào tạo tập trung 9 bộ môn và 2 môn đào tạo tại cơ sở, trong đó có 8 bộ môn trong chương trình thi đấu Olympic là Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh, Bắn súng, Đua thuyền, Bóng chuyền, Taekwondo, Karatedo và 3 bộ môn thể thao truyền thống là Võ Cổ truyền, Vovinam, Wushu.
Kết quả công tác đào tạo từ năm 1999 đến nay, nhà trường đã đào tạo 12 bộ môn (trừ môn bóng đá chuyển qua Đoàn bóng đá quản lý) với tổng cộng 896 VĐV. Kết quả, có 288 VĐV đạt huy chương tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế, với tổng cộng 1.243 huy chương các loại, trong đó có 312 HCV, 319 HCB và 612 HCĐ. Kết qủa cụ thể:
-  Về các giải quốc tế có 20 VĐV đạt 73 huy chương các loại, trong đó có 34 HCV, 17 HCB và 22 HCĐ.
- Về giải vô địch quốc gia: có 100 VĐV đạt được huy chương (trong đó có 29 VĐV đạt được HCV), với tổng cộng 300 huy chương các loại, trong đó có 72 HCV, 72 HCB và 156 HCĐ.
- Về giải cúp quốc gia: đạt tổng thể 226 huy chương các loại, trong đó có 60 HCV, 55 HCB và 111 HCĐ.

- Về giải cúp quốc gia: đạt tổng thể 378 huy chương các loại, trong đó có 76 HCV, 92 HCB và 210 HCĐ.
- Về các giải cấp khu vực, học sinh toàn quốc: đạt tổng thể 266 huy chương các loại, trong đó có 70 HCV, 83 HCB và 113 HCĐ.
 - Về phong đẳng cấp: có 70 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng quốc gia, 7 VĐV đạt đẳng cấp dự bị kiện tướng quốc gia và 91 VĐV đạt đẳng cấp I quốc gia. 
- Về cung cấp VĐV cho đội tuyển quốc gia: 44 VĐV, trong đó có 19 VĐV đội dự tuyển quốc gia và 25 VĐV đội dự tuyển trẻ quốc gia.
(Kết quả cụ thể được thể hiện qua 2 bảng tổng hợp kết quả)
20 năm nhìn lại, mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song có thể khẳng định rằng các môn đào tạo hiện nay của nhà trường là phù hợp với con người đất Quảng. Kết quả về chất lượng và số lượng huy chương đạt được qua từng năm có sự tăng tiến vững chắc, tỉ lệ VĐV đạt được huy chương tại các giải cấp khu vực, quốc gia và quốc tế là ở mức cao (32,1%). Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều bất cập, như điều kiện sân bãi, dụng cụ phục vụ cho công tác huấn luyện nâng cao còn nhiều thiếu thốn tại các bộ môn như Bắn súng, Đua thuyền, Bóng chuyền (tập luyện ngoài trời), Wushu (chưa có thảm tập luyện và thi đấu). Việc định hướng phát triển thể thao quần chúng (đặc biệt là thể thao học đường) đối với các môn phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh chưa mạnh, chưa hỗ trợ trong công tác tuyển chọn tài năng để đào tạo. Chưa có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với VĐV trọng điểm của tỉnh nên chưa tạo động lực và giữ chân được các VĐV tài năng.

Tác giả bài viết: Ths.Lê Phú Lai-Chi ủy viên, Phó hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay38
  • Tháng hiện tại5,069
  • Tổng lượt truy cập501,639
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây