Dư âm của đại hội không chỉ là những gương mặt VĐV kỳ cựu giữ vững phong độ, duy trì thành tích xuất sắc mà còn cả những VĐV trẻ tài năng, là niềm kỳ vọng cho tỉnh nhà trong những năm đến.
Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Hồng Ninh – Những vận động viên kỳ cựu
Phạm Thị Thu Hiền (1995) là cái tên rất quen thuộc với làngthể thao đất Quảng với nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường trong và ngoài nước. Theo học tạiTrường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao (TNVTDTT) Hiền thành công rất sớm và được xem là một trong những VĐV trọng điểm của Taekwondo Việt Nam. Ở tuổi 18, Hiền đã có 1 HCĐ ASIAD và nằm trong số ít VĐV có thể liên tiếp 3 kỳ tham dự SEA Games, mang về 1 HCV, 2HCB. Thu Hiền đồng thời đi vào lịch sử của thể thao đất Quảng khi trở thành VĐV Quảng Nam đầu tiên tham gia đấu trường ASIAD và giành huy chương. Thi đấu trong màu áo Quảng Nam tại ĐHTTTQ năm nay, Hiền gần như không có đấu thủ, vững vàng giành lấy HCV, khẳng định đẳng cấp trong làng Taekwondo Việt Nam. Năm 2019, thể thao Việt Nam tham gia SEA Games 30 tại Philippines. Thu Hiền gần như chắc chắn góp mặt trong đội tuyển Việt Nam tại sân chơi lớn nhất khu vực. Đặc biệt, đây là kỳ SEA Games thứ 4, cũng có thể là cuối cùng trong sự nghiệp của cô gái vàng. Hy vọng lần nữa Thu Hiền có thể bước lên bục vinh quang nhất để chia tay sự nghiệp của mình.
Nguyễn Hồng Ninh (1989) cũng là VĐV xuất sắc giành nhiều giải thưởng ở bộ môn Võ cổ truyền với HCV cấp khu vực (2013), HCV giải Cúp (2014), HCB Đại hội TDTT (2014)… Sinh trưởng trong gia đình mà hai chị em đều theo nghiệp võ tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành. Năm 2018, Ninh tham gia Giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II – năm 2018 với 273 VĐV đến từ 43 đoàn của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia tranh tài. Tham gia thi đấu đối kháng hạng cân 80kg. Với bản lĩnh và kinh nghiệm, Ninh lần lượt vượt qua các VĐV của Pakistan (vòng loại), VĐV Bờ Biển Ngà (bán kết) và gặp VĐV Iran tại vòng chung kết. Thời gian trước, trong giải đấu “Tinh hoa võ Việt” tại Khánh Hòa, Ninh đã gặp VĐV rất mạnh người Nga và vất vả để giành chiến thắng từng điểm, và đối thủ người Iran Ninh gặp ở vòng chung kết cũng từng hạ VĐV người Nga. Tuy nhiên, thi đấu giành giật từng điểm ở những giây cuối cùng, Ninh đã vượt qua VĐV Iran để giành HCV. Tiếp nối thành công đó Hồng Ninh tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu HCVbộ môn Võ cổ truyền tại ĐHTTTQ 2018, mở đầu cho những thành công của Quảng Nam tại giải đấu lần này.
VĐV Nguyễn Hồng Ninh ( bên trái) tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018
Trần Thị Mỹ Khanh – Cô gái nghị lực ở bộ môn Taekwondo
VĐV Trần Thị Mỹ Khanh
Trần Thị Mỹ Khanh (1994) sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bình Thuận. Năm lớp 7, em mới trở về làng chài Tam Thanh cùng gia đình. Cũng trong năm đó, Khanh được phát hiện và đào tạo tại TNKNVTDTT khi mới 13 tuổi, chỉ trong 6 tháng luyện tập, Khanh giành HCV giải Trẻ đầu tiên, từ đó Khanh liên tiếp dành nhiều thành công với HCV giải Trẻ (2008, 2009, 2010), HCĐ Đại hội (2010). Đỉnh cao là năm 2011 khi Mỹ Khanh liên tiếp ôm trọn 4 vàng tại giải Trẻ, giải Cúp, Vô địch Quốc gia và giải Trẻ Đông Nam Á. Thành công này mang về cho cô gái trẻ lời mời từ một đơn vị quân đội với nhiều ưu đãi nhưng Khanh vẫn ở lại cùng Quảng Nam và đội tuyển. Không may sau đỉnh cao, Khanh bị đứt dây chằng trong đợt tập huấn giải châu Á (2012) và phải chữa trị chấn thương. Nhưng hơn 1 năm sau, tình yêu với Taekwondo lại đưa Khanh quay về sàn tập. Nghị lực giúp cô gái trẻ tiếp tục thi đấu đạt nhiều thành tích như HCB Đại hội (2014), HCV Vô địch Quốc gia (2015), HCB Vô địch Quốc gia (2013, 2017), HCV giải Cúp (2017)… Tại Đại hội 2018, Khanh vào bảng đấu với nhiều đối thủ nặng ký như Hoàng Thị Tuyết (HCV Đông Nam Á 2013), Nguyễn Thanh Thảo (HCB Olympic Trẻ), Chu Hoàng Diệu Linh – (VĐV tham dự Thế vận hội Olympic 2012). Sau khi đánh bật hàng loạt đối thủ nặng ký, Mỹ Khanh đối đầu Diệu Linh trong trận đấu chung kết sớm, phải tranh chấp nhau từng điểm một nhưng may mắn mỉm cười với Khanh khi giành chiến thắng với bàn thắng vàng. Vượt qua những đối thủ kỳ cựu, Mỹ Khanh không khó khăn khi hạ VĐV Trần Thị Thanh Trang tại vòng chung kết. Mang về HCV cho Đoàn thể thao Quảng Nam tại đấu trường Đại hội năm 2018.
Võ Văn Mạnh – Bất ngờ giành chiến thắng thuyết phục.
VĐV Võ Văn Mạnh
Võ Văn Mạnh (2000) là VĐV còn rất trẻ của Karatedo Quảng Nam. Tham gia lò võ gần nhà, Mạnh cùng anh trai được vào TNKNVTDTT năm 2014. Sau 4 năm rèn luyện, Mạnh đã giành ba tấm huy chương vàng, bạc, đồng ở giải Trẻ. Vừa bước qua tuổi 18, lần đầu tham gia đấu trường đại hội, Mạnh thật sự gây bất ngờ khi thi đấu xuất thần trước các tuyển thủ dày dặn kinh nghiệm. Bước vào vòng đấu loại, Mạnh gặp Mai Duyên Hiền Lương – VĐV hạt giống của TPHCM từng vô địch quốc gia và được đầu tư rất lớn khi được đi huấn luyện ở các nước Iran, Nhật Bản… Khắc phục khả năng đánh chặn và đòn tay sau nguy hiểm của Hiền Lương, Ban huấn luyện định hướng em sử dụng đòn chân. Bởi vậy, khi Hiền Lương dẫn trước 1 điểm, ở những giây cuối cùng Mạnh đã thi đấu xuất thần và đầy tự tin giành lấy 3 điểm với cú ra chân vào đầu đối thủ. Nhận thất bại trước VĐV lần đầu tham dự đại hội, non trẻ về kinh nghiệm thi đấu, Lương đã không nén được những giọt nước mắt. Bước vào chung kết, Mạnh gặp lại đối thủ nhiều duyên nợ Đỗ Đình Uy (Khánh Hòa). Tại giải Trẻ tháng 6.2018, Mạnh đã gặp Uy tại vòng chung kết và để vuột mất vàng. Thì trong giải đấu đỉnh cao này,kỹ thuật của Uy cũng được nghiên cứu kỹ. Đình Uy thấp người, có những đòn chân rất nguy hiểm, nên Mạnh tập trung vào đòn tay. Bởi vậy, sử dụng tốc độ đòn tay liên tục, Mạnh đã mang về tấm HCV một cách thuyết phục. Lần đầu tiên tham gia và chiến thắng, Mạnh mang cả sự tự hào khi em là lứa VĐV được đào tạo ngay tại TNKNVTDTT từ những ngày đầu tiên đến khi lên bục vinh quang cao nhất. Mạnh cũng là điểm tựa cho niềm tin và kỳ vọng của thể thao Quảng Nam những năm kế tiếp.
Bộ đôi Cao Viết Sĩ – Hồ Văn Âu – Kỳ tích Canoeing
VĐV Cao Viết Sĩ – Hồ Văn Âu nhận Huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018
Cao Viết Sĩ (2000) là người con của vùng đất Tam Xuân 1 – Núi Thành. Yêu thích thể thao, lại được gia đình hậu thuẫn, Sĩ là một trong những VĐV canoeing đầu tiên được tuyển chọn vào trường. Hồ Văn Âu (1997) là người Ca Dong được HLV phát hiện. Tập trung tại trường Âu và Sĩ cũng như nhiều VĐVkhác phải tập luyện trong điều kiện khá khó khăn bởi Canoeing là bộ môn mới nhất được đào tạo tại TNKNVTDTT. Trong 6 tháng đầu tiên, các VĐV phải luyện tập trên bờ,một phần rèn nền tảng thể lực, và cũng bởi lúc này bởi những dụng cụ cơ bản như thuyền, mái chèo, cầu lên xuống… vẫn chưa đảm bảo bởi kinh phí đầu tư bộ môn này là khá lớn. Được đào tạo giữa nhiều khó khăn, nhưng Sĩ và Âu luôn thể hiện là một cặp đôi phù hợp.Với thuyền 2 người các VĐV không chỉ cần nền tảng thể lực cân bằng, điều phối sức, có cùng cảm nhận mà còn cần sự chia sẻ với nhau để phối hợp, cùng tiến bộ và chiến thắng trên từng chặng đua.Thi đấu cùng nhau, Cao Viết Sĩ và Hồ Văn Âu đã đạt một số thành tích như HCĐ tại Giải Vô địch các CLB Rowing và Canoeing toàn quốc (4/2018);1 HCB, 1 HCĐ tại Giải Đua thuyền Rowing và Canoeing Trẻ vô địch quốc gia (9/2018). Thử sức và có giải tại các giải đấu trước, tuy nhiên theo chia sẻ của những người làm nghề, tại đấu trường Đại hội, thường VĐV phải có kinh nghiệm thi đấu dày dặn. Còn Canoeing chỉ mới được mở 2 năm nay, gần như chỉ mới bước vào quy trình đào tạo chính thứcnên mục tiêu đến đại hội chỉ để giao lưu, cọ xát, chuẩn bị cho những giải đấusau. Tuy nhiên, Cao Viết Sĩ và Hồ Văn Âu đã mang về kỳ tích cho Canoeing Quảng Nam còn non trẻ với 1 HCB thuyền đôi nam 200m, 2 HCĐ thuyền đôi nam 1000m và 500 m.
Đến với ĐHTTTQ lần thứ VIII năm 2018, Quảng Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đại hội là nơi thử sức, khẳng định vị thế những VĐV kỳ cựu của Quảng Nam, đồng thời lớp VĐV kế cận cũng được cọ xát, chuẩn bị cho đại hội kế tiếp. Sự kiện càng ý nghĩa hơn khi Trường NKNVTDTT kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong công tác tuyển sinh và đào tạo.