Công tác đào tạo tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao

Thứ hai - 20/08/2018 14:15 1.546 0
Trong năm 2017, Trường NKNVTDTT đã cử gần 200 lượt VĐV tham gia thi đấu ở các giải, trong đó đạt 29 huy chương Vàng, 32 huy chương Bạc, 46 huy chương Đồng. Từ đây, nhiều VĐV như Phạm Thị Thu Hiền, Trần Triệu Vỹ, Đỗ Thế Vũ, Mai Thị Huệ…
Các VĐV tiêu biểu của trường Năng khiếu NVTDTT rước đuốc trong Đại hội TDTT 2018
Các VĐV tiêu biểu của trường Năng khiếu NVTDTT rước đuốc trong Đại hội TDTT 2018
đã viết tên lên bảng vàng của thể thao thành tích cao ở các kỳ thi đấu trong và ngoài nước. Thành công đó ghi dấu không chỉ sự cố gắng của học sinh mà cả tâm huyết của Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Theo chân các huấn luyện viên Trường Năng khiếu đi tìm nhân tài mới thấy hết khó khăn của những người đi “đãi cát tìm vàng”. Lứa tuổi các thầy cô tập trung tìm kiếm là các em ở độ tuổi 11-12 trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng trong số hàng ngàn học sinh số lượng các em được đưa về tập trung để hội đồng chấm chọn trong tháng 4 vừa rồi cũng chỉ tầm 40 em. Ông Trần Như Hải – HLV bộ môn Karatedo chia sẻ: “Đi về các trường tiểu học, trung học là một trong những phương thức mà HLV sử dụng để tuyển sinh. Bên cạnh cách này, giáo viên thường kết nối nhiều nguồn để tìm ra những học sinh có năng khiếu ở các câu lạc bộ tại các địa phương, những anh chị em trong gia đình có các học sinh có thành tích tốt, tại các hội thi Hội khỏe Phù Đổng, hay thuận lợi nhất là mối quan hệ với các thầy cô thể dục ở các trường. Tuy nhiên, dù là con đường nào thì đều rất gian nan”.

Nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô tìm những “hạt giống”, Trường Năng khiếu thường để các HLV đi tuyển sinh trong cả năm. Theo đó, tháng 4 và tháng 11 hàng năm, trường sẽ mở hội đồng chuyên môn để kiểm tra chỉ số hình thái, thể lực của các học sinh được chọn. Thể lực được xác định dựa trên các bài kiểm tra chạy, bật xa, xoạc chân… Chỉ số hình thái lại tùy thuộc vào yêu cầu mỗi bộ môn. Như với Karatedo, các em phải có độ dài sải tay, cân nặng và chỉ số Quetelet đạt chuẩn; môn Taekwondo thì lại cần những em chân dài và có sức bật tốt, bởi chủ yếu là các em phải dùng chân trong quá trình thi đấu; Bóng chuyền thì cần cả chiều dài gang bàn tay, sải tay, chiều dài với tay… Tuy nhiên, đó mới là tiêu chí bên ngoài và sai số vẫn khá lớn bởi khi tập trung vào trường các em ở vào độ tuổi thể chất chưa phát triển toàn diện, nên việc chọn lựa cũng dựa chủ yếu vào kinh nghiệm của các HLV. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn, các em sẽ học tập thử nghiệm tập trung tại trường sau thời gian tuyển chọn. Đây cũng là giai đoạn cha mẹ tìm hiểu về trường và các thầy cô đánh giá ý chí, khả năng tập luyện và tiếp thu của từng em để đề xuất đưa các em chính thức tham gia chương trình đào tạo. Ngoài ra, với những em được phát hiện ngoài hai khung thời gian tuyển sinh chính, có tiềm năng phát triển, hội đồng có thể mở đột xuất để xét tuyển các em vào trường. Thầy Nguyễn Ngọc Đình – giáo viên bộ môn Taekwondo cho biết:“Việc tuyển sinh các em từ cơ sở đã là một việc khó khăn nhưng để xác định một em thực sự có năng khiếu và phù hợp với bộ môn tuyển chọn cũng phải đợi khi các em tiếp cận thực sự với lớp học mới có thể đánh giá. Để trở thành một VĐV đạt thành tích tốt, các em không chỉ cần ngoại hình phù hợp với từng bộ môn mà bên cạnh đó phải có ý chí, nghị lực, khả năng tiếp thu được kiểm tra qua thời gian đào tạo kéo dài từ 2-5 năm tại trường”.
 
tlnk
Một buổi luyện tập của các em bộ môn võ cổ truyền.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển thể chất và tập luyện, việc học văn hóa của các học sinh trường năng khiếu vẫn được duy trì liên tục tại các trường THCS trên địa bàn theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Hai năm đầu tiên các em sẽ được đài thọ kinh phí ăn, ở, học theo chế độ của VĐV và khởi đầu thời gian tập luyện 10 giờ một tuần. Tại đây các HLV sẽ đánh giá thể hình, năng khiếu, khả năng tiếp thu của các em với từng bộ môn. Nhà trường cũng liên kết chặt chẽ với các trường trung học trong việc rèn luyện và giáo dục các em. Các lớp học văn hóa tại Trường PTTH Phan Bội Châu thì được mở riêng từ 20-30 học sinh mỗi lớp tạo điều kiện tốt nhất cho các em thi đấu và học tập. Nhờ vậy, kết quả học tập những năm 2015-2016 trong tổng số 117 em theo học tại trường thì có 2 HSG, 26 HSK, 77 HSTB, 12 HSY; năm 2016-2017: tổng số học văn hóa 129 em thì có 4 em HSG, 34 HSK, 87 HSTB, 4 HSY; hơn 80% các em đạt hạnh kiểm tốt, còn lại là khá và trung bình.

Trên thực tế, dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, không hẳn tất cả học sinh được tuyển chọn đều rèn luyện thành công chương trình đào tạo và đạt thành tích cao. Dù có năng khiếu, nhưng hai năm sau, thể chất không phát triển phù hợp, hay ý chí, khả năng tiếp thu và rèn luyện của các em chưa tốt thì các em sẽ không thể theo kịp chương trình đào tạo. Chưa kể có những ảnh hưởng từ gia đình, khiến các em phải rời xa việc học. Câu chuyện của Phan Văn Đ. là một ví dụ. Em có quan hệ họ hàng với VĐV Phạm Thị Thu Hiền – Taekwondo đã đạt Huy chương tại ASIAD, theo gương chị mình, em theo học tại trường và với tài năng đã đạt tới kiện tướng. Nhưng rồi gia đình có việc riêng, mẹ em xin cho con về phụ mẹ, việc học cũng từ đó dở dang. Từ việc có một nguồn hỗ trợ cơ bản từ tiêu chuẩn cho kiện tướng, đến nhiều khả năng tiến xa hơn trên con đường thể thao thành tích cao hay học tập với vị trí Huấn luyện viên, giáo viên thể dục hay những ngành liên quan đến thể thao thì em Đ đã chọn công việc của gia đình. Tiếc cho một tài năng nhưng những người thầy cô vẫn phải ngậm ngùi bởi đó là chọn lựa của học sinh mình. Ông Lê Phú Lai – Phó Hiệu trưởng cho biết: “Trường NKNVTDTT mỗi năm phát hiện và đào tạo từ 190-220 học sinh trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên công tác tuyển sinh của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi số giải thể thao dành cho các em ở lứa tuổi nhỏ không nhiều, Hội khỏe Phù Đổng chưa đáp ứng được lứa tuổi tuyển sinh của trường. Bên cạnh đó, các gia đình hiện nay chỉ từ 1-2 con, nên tâm lý không muốn giao hẳn cho nhà trường quản lý, giáo dục, cũng không muốn con theo định hướng tương lai với thể thao hay nhiều khi đã vào trường, có năng khiếu nhưng nhiều em chưa đủ khả năng hay nỗ lực cũng là thách thức với công tác tuyển sinh và đào tạo”.

Giữa những khó khăn thách thức, Ban giám hiệu và các thầy cô trường năng khiếu vẫn cố gắng hết mình với thể thao thành tích cao. Chế độ dành cho các em học sinh trường năng khiếu của tỉnh nhà ngang bằng với nhiều địa phương trên cả nước, chưa kể các em có thành tích tốt luôn được tạo điều kiện để theo học Đại học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Với nỗ lực tìm kiếm tài năng và cống hiến sức mình trong rèn luyện và đào tạo thế hệ kế cận, những em học sinh tại trường dù không đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế cũng có thể vượt qua chính bản thân mình, là nòng cốt cho phong trào thể thao địa phương, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tác giả bài viết: Tạp chí Văn hóa Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay261
  • Tháng hiện tại9,362
  • Tổng lượt truy cập580,652
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây