Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực thể thao

Chủ nhật - 11/12/2016 04:52 727 0
Nguyên nhân chính của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong lĩnh vực thể thao vừa qua, chủ yếu là do công tác tuyên truyền về đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực thể thao

Con người sống ở trên đời cần có đạo đức, mỗi một nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo đức riêng biệt, đạo đức nghề nghiệp là những quy tắc để hướng dẫn cho các thành viên ứng xử và hoạt động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích của nghề nghiệp và xã hội. Sự tiến bộ của xã hội, đòi hỏi người hành nghề trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản, nhằm đảm bảo cho nghề nghiệp đó được xã hội trọng dụng, tôn vinh. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực thể thao cũng vậy, nó có những đặc thù riêng so với các ngành nghề khác trong xã hội.

Thể thao được  xác định là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội nó có tác động rất lớn đến mọi mặt của xã hội, phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Trong hơn 70 năm qua, thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển thể dục thể thao để phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho sự phát triển, Thể thao Việt Nam đã hội nhập đầy đủ vào nền thể thao khu vực, thế giới và có bước tiến rõ rệt, có khả năng giành thứ hạnh cao ở nhiều bộ môn thể thao, mang vinh quang về cho Tổ quốc, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước.
 
Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong một số hoạt động thể thao gần đây, do tư tưởng phải chiến thắng bằng mọi giá và bệnh thành tích, nên vẫn còn nhiều những hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục, thể thao như: gian lận trong tổ chức thi đấu và trọng tài, móc ngoặc, nhường điểm, sử dụng Doping, vi phạm luật lệ, thô bạo trong thi đấu, các hành vi phản cảm của Vận động viên, Huấn luyện viên, tình trạng bạo lực trên khán đài của các cổ động viên, đặc biệt là hiện tượng cổ súy của các cổ động viên đối với những hành vi không đẹp, các hành động quá khích của các cổ động viên đối lập…, đang là những vấn đề nhức nhối, gây nên cái nhìn thiếu thiện cảm của dư luận xã hội đối với các hoạt động thể dục thao thao hiện nay, làm mất đi sự trong sáng, tính trung thực, tinh thần cao thượng của Thể thao Việt Nam.
 
Nguyên nhân chính của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong lĩnh vực thể thao vừa qua, chủ yếu là do công tác tuyên truyền về đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi. Công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao còn chậm được đổi mới, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thể thao các cấp.
 
Xuất phát từ thực tiễn yếu kém về tư tưởng, đạo đức, văn hóa của một bộ phận người tham gia hoạt động thể dục, thể thao hiện nay, việc nghiên cứu xây dựng và ban hành chuẩn mực đạo đức Thể thao trở nên cấp bách và là một nhiệm vụ quan trọng của Thể thao Việt Nam hiện nay. Thông qua những chuẩn mực đạo đức Thể thao, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền - giáo dục, học tập và thiết lập một cơ chế giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, cũng như xét xử nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của toàn xã hội, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, không trong sáng trong thi đấu và tổ chức điều hành thi đấu.
 
Hình ảnh: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực thể thao số 2


 
Việc nghiên cứu ban hành những chuẩn mực đạo đức của Thể thao Việt Nam hiện nay cần dựa trên cơ sở Hiến chương “Fair play” của Uỷ ban Olympic Quốc tế, hay nói một cách khác trên tinh thần đoàn kết - trung thực - cao thượng, kết hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, có như vậy những chuẩn mực đạo đức của Thể thao Việt Nam mới có thể đi vào cuộc sống, góp phần phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, xây dựng, hình thành những phẩm chất quý báu vốn có của con người Việt Nam, từng bước đẩy lùi những suy thoái, yếu kém lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người tham gia hoạt động thể dục thể thao, đây cũng chính là một trong những nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Hơn nữa việc tăng cường công tác tuyên truyền trong lĩnh vực thể dục, thể thao cần theo hướng tuyên truyền đúng mức, không thái quá, không chạy theo thành tích, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực trong hoạt động thể thao, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao được quy định trong 14 Điều (từ Điều 28 đến Điều 40 và Điều 49), với 3 hình thức xử phạt: Xử phạt bằng tiền; Tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ; Hủy bỏ kết quả, thành tích đối với những hành vị bị cấm trong hoạt động thể thao:
 
- Sử dụng chất kích thích (Doping) bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao
 
- Sử dụng phương pháp tập luyện, bài tập, môn thể thao bị cấm trong tập luyện, thi đấu.
 
- Thực hiện không đúng đối với quyền lợi, nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài  thể thao thành tích cao.
 
- Không đảm bảo, đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
 
- Tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng không đáp ứng được quy định
 
- Gian lận trong tuyển chọn vận động viên, làm sai lệch kết quả thành tích thể thao.
 
- Xúc phạm trọng tài, chơi thô bạo, sai luật, lợi dụng hoạt động thể thao để cản trở hoặc xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân.
 
- Vi phạm quy định về văn hóa, thể thao, du lịch cho người khuyết tật và người cao tuổi.
 
Những chuẩn mực đạo đức thể thao không chỉ thúc đẩy sự nghiệp Thể thao Việt Nam mà còn góp phần tạo ra môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người dân với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Tác giả bài viết: TS. Tạ Hồng Hải

Nguồn tin: tapchithethao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay616
  • Tháng hiện tại10,349
  • Tổng lượt truy cập526,879
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây