Để bơi lội không còn "tự bơi"

Thứ ba - 19/06/2018 10:19 638 0
Phát triển phong trào bơi lội đã có được những kết quả ban đầu. Song để môn bơi lội không còn “tự bơi”, rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của chính quyền địa phương, các ngành chức năng.
Thiếu niên toàn tỉnh đã có sân chơi để thể hiện mình qua giải bơi thiếu niên hè. Ảnh: T.VY
Thiếu niên toàn tỉnh đã có sân chơi để thể hiện mình qua giải bơi thiếu niên hè. Ảnh: T.VY

Thành quả ban đầu

Thể thao học đường Quảng Nam từng tạo nên một cú sốc lớn đối với các địa phương trên cả nước tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016 khi các em học sinh (HS) mang về 8 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 2 huy chương đồng trong môn bơi lội (trước đó 4 năm chỉ có được 2 huy chương đồng). Kết quả này cũng đã gây bất ngờ đối với cả chính những người làm công tác TD-TT của tỉnh. Bởi phong trào bơi lội chỉ mới phát triển một cách hạn chế trong khuôn khổ học đường chứ chưa mở rộng ra bên ngoài cũng như chưa được đầu tư để đào tạo nâng cao.

Để có được thành quả này, môn bơi lội đã nhận được sự quan tâm từ các địa phương và ngành GD-ĐT, nhưng công đầu có thể nói  tới đó là tổ chức Swim VietNam. Sở dĩ phải nhắc đến Swim VietNam bởi họ là khởi nguồn cho việc dạy bơi đối với HS các trường học ở một số địa phương trong tỉnh. Và cũng chính tổ chức này, trong 10 năm qua đã hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hơn 12 tỷ đồng để thực hiện chương trình phổ cập bơi, bao gồm xây dựng 8 bể bơi tại các địa phương trong tỉnh (Hội An, Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước), tổ chức dạy bơi, kỹ năng sống dưới nước cho HS và đào tạo giáo viên. Theo đó, đến nay đã có 61.000 HS được học bơi, kiến thức an toàn đuối nước và cả trăm giáo viên được đào tạo cơ bản về dạy bơi, kỹ năng sống sót dưới nước. Những gương mặt mang về thành tích tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016 phần lớn đều trải qua khóa học của Swim VietNam.

Theo Phó phòng GD-ĐT TP.Hội An Nguyễn Văn Dương, từ năm 2008 địa phương đã tổ chức dạy bơi cho HS và hiện nay đã hoàn thành phổ cập bơi cho HS độ tuổi lớp 4. Bên cạnh đó, ngành GD-DDT còn phối hợp với Swim VietNam tổ chức dạy nâng cao cho những em có năng khiếu. Nhờ đó, thời gian qua đã có nhiều em góp mặt trong đội tuyển HS tỉnh tham gia thi đấu và gặt hái được thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Trong khi đó, quyền Trưởng phòng GD-ĐT Đại Lộc Lương Đức Hiền cho biết huyện đưa bơi lội vào chương trình giảng dạy và mỗi năm hỗ trợ 40 triệu đồng cho công tác này. Ông Hiền đề xuất cần đưa bơi lội vào chương trình ngoại khóa của HS và bố trí thời gian học vào dịp hè tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia.

Từ ý nghĩa và hiệu quả chương trình dạy bơi của Swim VietNam, một số ít địa phương cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm đối với việc phát triển phong trào bơi lội, trong đó nổi bật hơn cả là thị xã Điện Bàn. Không chỉ đưa vào nghị quyết HĐND về phổ cập bơi, địa phương cũng đã đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng 3 hồ bơi bố trí tại các xã trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân và HS. Đối với ngành thể thao, dù chưa có sự đầu tư trọng điểm song để phát triển phong trào, kể từ năm 2008 đến nay đã đưa môn bơi lội vào chương trình thi đấu Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam cũng như tổ chức giải vô địch tỉnh hàng năm.

Để không còn “tự bơi”

Kết quả đạt được vừa qua, dù chỉ mới dừng lại ở sân chơi học đường, song cũng đem lại ít nhiều niềm tin và hy vọng cho môn bơi lội khởi sắc trong tương lai. Cùng với đó, phong trào bơi lội hiện nay cũng đang có được những điều kiện cần thiết ban đầu để phát triển, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên đến sự quan tâm của các cấp chính quyền, ý thức của người dân và niềm đam mê của HS. Tuy nhiên, một kế hoạch đầu tư phát triển dài hơi, có tầm nhìn chiến lược cho đến nay vẫn chưa được xây dựng. Ngay cả đề án phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2017 - 2020, trước đây được Sở VH-TT&DL chấp bút. Sau đó, vì đối tượng triển khai là học đường nên UBND tỉnh chuyển giao trách nhiệm sang cho Sở GD-ĐT chủ trì soạn thảo. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 năm trôi qua đề án vẫn còn ở dạng …dự thảo. Theo tìm hiểu, lý do là vì nguồn vốn để triển khai đề án lớn, định hướng đầu tư phát triển chưa rõ ràng.   

Theo ông Đoàn Minh Trung - Giám đốc chương trình Swim VietNam, việc triển khai chương trình tại Quảng Nam trong 10 năm qua thuận lợi và thu được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế đã gây không ít khó khăn cho việc triển khai chương trình, trong đó có việc phối hợp giữa địa phương, ngành GD-ĐT với Swim VietNam chưa tốt dẫn đến một số nhà tài trợ không còn đồng hành. “Tôi là người Quảng Nam nên rất muốn chia sẻ với quê hương. Tuy nhiên, vì những hạn chế, sự thiếu hợp tác mà chúng tôi phải đầu tư ở những tỉnh khác. Do đó, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới ngành GD-ĐT và địa phương quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để cùng làm tốt chương trình phổ cập bơi cho trẻ như mục tiêu đề ra” - ông Trung chia sẻ.

Tại cuộc làm việc mới đây với tổ chức Swim VietNam và các sở, ngành chức năng về chương trình phổ cập bơi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Swim VietNam để tổ chức thực hiện tốt chương trình phổ cập bơi cho HS trong thời gian tới. Tỉnh cũng đồng ý tăng 30% vốn đối ứng mỗi khóa học 200 HS cho Swim VietNam để tạo điều kiện thuận lợi triển khai kế hoạch giảng dạy. Đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT sớm hoàn thành đề án phổ cập bơi, phòng chống đuối nước. Với sự chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc của các địa phương, hy vọng thời gian tới bơi lội sẽ không còn “tự bơi”!

Tác giả bài viết: Tường Vy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay408
  • Tháng hiện tại23,307
  • Tổng lượt truy cập391,070
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây