Lên phía trên
Tự chuyển viện để phẫu thuật, hưởng BHYT thế nào?
Câu hỏi:
Bà nội của ông Hữu Trọng (Nghệ An) có thẻ BHYT đối tượng người có công với cách mạng. Bà của ông đã đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó đến bệnh viện tại TP. Hà Nội để khám lại. Hiện bà của ông muốn được phẫu thuật ở bệnh viện tại TP. Hà Nội.
Gia đình ông Trọng đã xin giấy chuyển viện của bệnh viện tuyến tỉnh nhưng không được chấp thuận, trường hợp muốn có giấy chuyển viện thì gia đình phải chịu phí 3 triệu đồng.

Ông Trọng hỏi, bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện như vậy có đúng không? Bà của ông phẫu thuật tại bệnh viện ở TP. Hà Nội mà không có giấy chuyển tuyến thì có được hưởng 100% BHYT không?
Trả lời:

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Khi vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm phải chuyển người bệnh lên cơ sở tuyến trên để được khám và điều trị.

Việc chuyển tuyến thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh không phải chi trả bất cứ chi phí nào. Đối với bệnh viện thu phí khi cấp giấy chuyển tuyến, đề nghị ông phản ánh với Sở Y tế để được giải quyết.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi điều trị tại Hà Nội, người bệnh cần xuất trình Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới chuyển đến.

Trường hợp bà của ông tự đi mổ tại Hà Nội không có giấy chuyển tuyến thì chỉ được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và 40% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương.

Lên phía trên
Hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng tham gia
Câu hỏi:
Bố đẻ của bà Nguyễn Phương muốn tán sỏi thận nội soi bằng laser tại Bệnh viện Bình Dân, nhưng bố bà đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất. Bà Phương hỏi, bố bà có được BHYT chi trả không? Việc chuyển viên trong trường hợp này có đúng tuyến không?
Trả lời:

Về vấn đề này, BHXH  trả lời như sau:

Trường hợp bố của bà được Bệnh viện Thống Nhất chuyển tuyến đến bệnh viện Bình Dân để tán sỏi qua nội soi thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến nhân mức quyền lợi được hưởng (80%, 95%, 100% tùy theo đối tượng tham gia BHYT). Các chi phí dịch vụ, chi phí ngoài quy định, chi phí đồng chi trả bố của bà phải tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh.

Lên phía trên
Đóng trùng BHXH giữa hai công ty, giải quyết thế nào?
Câu hỏi:
Công ty của bà Phạm Thị Huệ (Hà Nội) có trường hợp người lao động làm việc tại 1 công ty khác đến tháng 9/2010 và chốt sổ BHXH vào tháng này. Tháng 10/2010, người lao động này chuyển sang công ty của bà Huệ, nhưng kế toán khai đóng BHXH từ tháng 9/2010.

Hiện công ty của bà Huệ đang làm thủ tục cấp lại sổ BHXH do bị mất, trong quá trình cấp lại sổ BHXH, cơ quan BHXH báo trường hợp của người lao động này bị trùng 1 tháng đóng BHXH giữa 2 công ty nên phải làm thủ tục thoái trùng.

Bà Huệ hỏi, vậy công ty của bà cần chuẩn bị giấy tờ gì để giải quyết và làm thủ tục cấp lại sổ BHXH cho người lao động trên?
Trả lời:

Về vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội trả lời như sau:

Tại Điều 2 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH có quy định, “Hoàn trả: Là việc cơ quan BHXH chuyển trả lại số tiền được xác định là không phải tiền đóng hoặc đóng thừa, đóng trùng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đã nộp cho cơ quan BHXH…”.

Như vậy, theo quy định trên, khi người lao động bị đóng trùng BHXH thì cơ quan BHXH có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã đóng trùng đó.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 63 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH quy định: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH trùng nhau thì cơ quan BHXH hướng dẫn người lao động lựa chọn 1 sổ BHXH để tiếp tục ghi quá trình đóng BHXH, BHTN hoặc giải quyết các chế độ BHXH, BHTN. Các sổ BHXH còn lại thu hồi và thực hiện hoàn trả cho đơn vị, người lao động theo quy định tại Điểm 3.3, Khoản 3, Điều 48.

Trường hợp sổ BHXH bị thu hồi mà đơn vị đề nghị cấp sổ BHXH đã giải thể thì thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho người lao động. Khi thu hồi sổ BHXH, đồng thời phải thu hồi các khoản trợ cấp BHXH đã chi trả trước đó (nếu có)”.

Với thủ tục thoái thu gồm: Công văn của đơn vị; danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (D02-TS); sổ BHXH.

Sau đó, công ty cũ của người lao động sẽ có trách nhiệm làm thoái thu đồng thời chốt sổ BHXH.

Lên phía trên
Điều kiện cấp chứng chỉ năng lực xây dựng làm khó DN nhỏ?
Câu hỏi:
Nếu đăng ký cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng III, DN cần tới tối thiểu 3 người chủ trì và 5 người trong bộ máy. Như vậy, để được cấp chứng chỉ năng lực cấp III với 3 chuyên ngành thì DN cần đến 24 người và phải trả lương, đóng BHXH cho 24 nhân sự, điều này quá khó khăn đối với DN nhỏ.
Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Công trình xây dựng là loại sản phẩm hàng hóa đặc thù được hình thành trong tương lai, chất lượng và an toàn của công trình (liên quan đến an toàn cộng đồng) phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động xây dựng như lập quy hoạch xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công,… để tạo ra công trình. Do đó, năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng được pháp luật quy định và quản lý chặt chẽ.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành, năng lực của tổ chức được đánh giá trên cơ sở xem xét một cách tổng thể các tiêu chí về nhân sự, kinh nghiệm thực hiện công việc, tài chính, quy trình quản lý chất lượng và khả năng huy động máy móc thiết bị.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập hoàn toàn có thể đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cấp III vì Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu tối thiểu về nhân sự của tổ chức, không yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện công việc, tài chính,…

Trường hợp tổ chức chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ năng lực (kể cả hạng III) thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tổ chức này được tham gia các hoạt động xây dựng đối với dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình quy mô cấp IV; dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì công trình quy mô cấp IV.

Lên phía trên
Nhiều hộ sống cùng một địa chỉ, tách hộ khẩu thế nào?
Câu hỏi:
Gia đình bà Lâm Tú Anh (Hà Nội) có 3 hộ sống chung. Bà hỏi, gia đình bà có thể tách riêng mỗi hộ 1 sổ hộ khẩu được không? Nếu được thì có quy định về số lượng sổ hộ khẩu trong cùng một chỗ ở hợp pháp không?
Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Công an  trả lời như sau:

Điều 27 Luật Cư trú quy định về trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; người ở chung một chỗ ở hợp pháp nhưng không có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Cư trú và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu gia đình, sổ hộ khẩu cá nhân, khi người này muốn tách sổ hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý bằng văn bản.

Thủ tục tách sổ hộ khẩu bao gồm:

- Sổ hộ khẩu.

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

- Ý kiến đồng ý của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú là: Người ở chung một chỗ ở hợp pháp nhưng không có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Cư trú và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu gia đình, sổ hộ khẩu cá nhân, khi người này muốn tách sổ hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý bằng văn bản.

Công dân được tách sổ hộ khẩu khi có đầy đủ điều kiện, thủ tục theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu còn vấn đề gì vướng mắc đề nghị bà Lâm Tú Anh đến cơ quan Công an nơi đăng ký cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Lên phía trên
Không cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ
Câu hỏi:
Ông Nguyễn Ngọc Khương (Hải Dương) là học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm niên học 2001-2004. Ông Khương bị mất bằng tốt nghiệp THPT và muốn xin cấp lại. Vậy, thủ tục cấp lại bằng tốt nghiệp như thế nào? Ông Khương hiện đi làm xa thì có thể nhờ chị gái làm thủ tục không, nếu được thì cần những giấy tờ gì?
Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 2 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bản chính văn bằng, chứng chỉ chỉ cấp một lần, không cấp lại.

Người bị mất bản chính văn bằng, chứng chỉ chỉ được cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.

Người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc có thể trực tiếp yêu cầu hoặc gửi yêu cầu của mình đến cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc qua bưu điện. Không hạn chế số lượng bản sao yêu cầu được cấp.

Thăm dò ý kiến

Lợi ích việc tập luyện TDTT ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay782
  • Tháng hiện tại1,451
  • Tổng lượt truy cập593,762
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây